“Múa Tân’tung Da’dá của người Cơtu các huyện Đông Giang, Nam Giang và Tây Giang được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của quốc gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội phát triển nhanh chóng cùng sự bùng nổ của mạng xã hội, điện thoại thông minh, thế hệ trẻ dường như không còn mấy mặn mà với loại hình sinh hoạt truyền thống này.
Vì vậy, việc mở lớp truyền dạy Trống, Chiêng, múa Tân’tung Da’dá cho học sinh là việc làm hết sức có ý nghĩa nhằm bảo tồn văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc Cơtu.
Cứ đều đặn vào các tối thứ 3 và thứ 5 trong tuần, 52 em học sinh tại hai trường THPT Tây Giang và trường THPT Võ Chí Công tham gia lớp truyền dạy Trống, Chiêng, múa Tân’tung Da’dá tại nhà Gươl của trường THPT Tây Giang. Tại lớp học, các em đã được các cô, chú, nghệ nhân giới thiệu ý nghĩa Trống, Chiêng, Thanh la và điệu múa Tân’tung Da’dá; kỹ năng nghe, cảm thụ tiếng trống, chiêng, cách cầm chiêng, đánh chiêng, phân nhịp, cách cảm âm…
Em Tarương Thị Diên lớp 11C1, trường THPT Tây Giang cho biết: Em được dạy và thực hiện thuần thục điệu múa Tân’tung Da’dá. Em rất vui vì được các nghệ nhân truyền dạy từng chi tiết cách xòe tay, từng bước chân thực hiện điệu múa truyền thống của dân tộc Cơtu mình.
Các nghệ nhân Tây Giang truyền dạy cách đánh Trống, Chiêng cho các em học sinh
Còn Em Blúp Kiều lớp 11C1, trường THPT Tây Giang vui vẻ cảm nhận: Em được các chú nghệ nhân vận động tham gia lớp học từ lâu nhưng đến nay mới có điều kiện học. Tham gia lớp học, em được dạy đánh Trống, chiêng. Ban đầu, em cảm thấy rất khó, song sau khi được chỉ dạy em dần tự tin hơn. Đến nay, em đã thuần thục sử dụng Trống, chiêng dân tộc mình.
Theo ông PaLăng Bưng, nghệ nhân truyền dạy lớp Trống, Chiêng, múa Tân’tung Da’dá cho các thanh thiếu niên huyện Tây Giang cho hay: Trước đây, đánh Trống, chiêng, múa Tân’tung Da’dá luôn được các thế hệ người Cơtu gìn giữ, phát huy, sử dụng trong các lễ hội của làng như lễ mừng lúa mới, lễ mừng Gươl mới, lễ Tạ ơn rừng…Tuy nhiên, do sự phát triển của xã hội, hiện nay lớp trẻ không mấy mặn mà, đánh Trống, chiêng, múa Tân’tung Da’dá nên dần bị mai một theo thời gian, không còn nhiều người biết biểu diễn; nhất là các thế hệ trẻ. Nếu các em có tham gia múa, đánh cũng rất sơ sài, chưa am hiểu hết được.
“Hiện nay, nghệ thuật đánh trống, chiêng, múa Tân’tung Da’dá ở Tây Giang phần lớn những người lớn tuổi, cac thanh thiếu niên rất ít tham gia. Việc mở lớp truyền dạy văn hóa cho các em học sinh rất cần thiết. Trong lớp học, chúng tôi chủ yếu truyền dạy về ý nghĩa và cách thức đánh Trống, chiêng theo nhịp, điệu múa Tân ‘tung Da ‘dá, cách hú để hòa quyện cùng một số nhạc truyền thống dân tộc mình”- Ông Bưng nói.
Nghệ nhân và các em học sinh chụp ảnh lưu niệm
Ông Bríu Hùng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tây Giang chia sẻ: Tây Giang có nhiều văn hóa đặc sắc, trong đó có văn hóa điệu múa Tân’tung Da’dá, hát lý nói lý được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của quốc gia. Tuy nhiên, trong thời gian qua người dân chưa am hiểu, quan tâm về vấn đề bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc mình. Chính vì vậy, chủ trương của huyện giao cho Phòng phối hợp với các ngành liên quan mở các lớp này là một chủ trương rất đúng đắng và kịp thời; nhất là đối với các thế hệ trẻ; qua đó góp phần quan trọng trọng việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy và quảng bá các giá trị văn hoá đặc trưng của dân tộc Cơtu đến với du khách trong nước và quốc tế khi đặt chân đến Tây Giang.
“Trong thời gian đến, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa đặc trưng dân tộc Cơtu. Hằng năm, tiếp tục mở lớp truyền dạy cho các xã, các khu dân cư trên địa bàn huyện” Ông Hùng khẳng định.
Tác giả: Hiền Thúy