Cùng với đường vận tải chiến lược xuyên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển là “huyết mạch” có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc chi viện vũ khí, khí tài cho chiến trường miền Nam để quân và dân ta đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hai con đường chiến lược trên bộ và trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu là kỳ công chiến lược của dân tộc, là biểu tượng cho tinh thần “dám đánh và biết thắng” mọi kẻ thù, bất kể kẻ thù đó là đế quốc Mỹ – tên sen đầm đế quốc với tiềm lực quân sự, tài chính đứng đầu thế giới! Nó cũng là biểu tượng của sự sáng tạo tuyệt vời của Đảng ta trong lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trải qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, chúng ta đã giành thắng lợi to lớn, giải phóng miền Bắc, tuy nhiên, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam chưa hoàn thành. Đế quốc Mỹ vội vã nhảy vào miền Nam tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược mới nhằm độc chiếm Đông Dương. Từ lâu đế quốc Mỹ đã dòm ngó, ấp ủ mưu đồ thôn tínhnước ta. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Tổng thống Mỹ chủ trương gạt Pháp, đặt Đông Dương dưới sự ủy trị quốc tế, về thực chất là muốn giữ bán đảo này trong phạm vi ảnh hưởng của Mỹ. Lợi dụng sự sa lầy của Pháp trong quá trình tiến hành chiến tranh xâm lược Đông Dương, Mỹ công khai can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến tranh, hà hơi tiếp sức cho Pháp với ý đồ chuẩn bị điều kiện tiến tới thay thế Pháp. Cũng từ lúc này, cuộc chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc ngoài mục tiêu đàn áp phong trào giải phóng dân tộc còn có mục tiêu ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản, ngăn chặn làn sóng cách mạng tràn xuống Đông Nam châu Á. Vì vậy, nhân dân ta vừa phải chống thực dân Pháp, vừa phải chống can thiệp Mỹ.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi. Trong Hội nghị Giơ-ne-vơ, Mỹ tìm mọi cách phá hoại việc lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ngày 21 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, các nước tham gia Hội nghị đã long trọng tuyên bố tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia. Mỹ là nước trực tiếp giúp Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương[1] và là thành viên của Hội nghị Giơ-ne-vơ nhưng xuất phát từ âm mưu xâm lược miền Nam nên đã không ký vào bản Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị-tạo cơ sở pháp lý với lý do “Mỹ không bị nội dung này ràng buộc”! Hiện thực hóa âm mưu đó, Mỹ tổ chức khối xâm lược Đông Nam Á (SEATO), nhảy vào miền Nam Việt Nam, thẳng tay hất cẳng Pháp, dựng nên một chính quyền tay sai, lập ra một đội quân đánh thuê do Mỹ điều khiển, tiến hành cuộc “chiến tranh đơn phương”, đánh phá quyết liệt phong trào cách mạng miền Nam, dìm phong trào yêu nước của nhân dân miền Nam trong máu lửa.
Nhiều câu hỏi đặt ra cho Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta lúc này là cách mạng Việt Nam ở miền Bắc và miền Nam tiến lên bằng con đường nào ? Miền Bắc có thể xây dựng chủ nghĩaxã hội được không và xây dựng bằng cách nào trong khi đất nước đang chia cắt và chiến tranh đang rình rập ở phía nam vĩ tuyến 17? Còn miền Nam có tiếp tục cuộc đấu tranh để tự giải phóng, hay dừng lại “trường kỳ mai phục”, “chờ đợi thời cơ”, xây dựng miền Bắc mạnh lên sẽ động viên nhân dân miền Nam tự giải phóng, tiến tới thống nhất nước nhà, theo lời khuyên của Trung Quốc, Liên Xô?, v.v…
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào, cách mạng Việt Nam ở miền Nam và miền Bắc cũng phải tiến lên, không được dừng lại, nhưng phải có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh, sát đúng với tình hình trong nước và quốc tế. Nếu dùng phương pháp đấu tranh chính trị như những năm đầu sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, rõ ràng ta không thể buộc Mỹ – Diệm thi hành Hiệp định này[2] và càng tiếp tục thực hiện phương pháp đấu tranh chính trị, lực lượng cách mạng càng tổn thất[3]. Thế nhưng, nếu dùng bạo lực quân sự ở miền Nam, liệu chúng ta có kiềm chế cuộc chiến tranh đó trong phạm vi nước ta hay để chiến tranh lan rộng ra trong khu vựcnhư bạn bè ta đã lo ngại “một đốm lửa nhỏ sẽ đốt cháy cả khu rừng”; rồi nếu điều đó trở thành hiện thực thì Liên Xô, Trung Quốc và thế giới có tiếp tục ủng hộ chúng ta không không? v.v…
Trong bối cảnh thế giới đã chia ra làm hai hệ thống đối kháng, mọi cuộc chiến tranh đều dính đến liên minh giữa các nước, chúng ta đánh Mỹ mà không có đồng minh, không được phe xã hội chủ nghĩa nhất là Liên Xô, Trung Quốc và nhân dân thế giới đồng tình ủng hộ, thì cách mạng sẽ gặp muôn vàn khó khăn, thậm chí thất bại (dù trong mối quan hệ nội lực và ngoại lực thì nội lực là nhân tố quyết định!). Bao nhiêu câu hỏi mang tầm chiến lược có quan hệ sống còn đối với dân tộc, Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Lao động Việt Nam phải tìm lời giải đáp đúng và trúng, trong đó trách nhiệm nặng nề nhất, trước tiên thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương.
Về phía Đảng ta, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, mặc dù từ rất sớm đã xác định đế quốc Mỹ là kẻ thù trước mắt và lâu dài của cách mạng miền Nam, nhưng đánh giá chưa chính xác về bản chất xảo quyệt, nham hiểm của hình thái chủ nghĩa thực dân mới (giấu mặt, trá hình) mà đế quốc Mỹ đang thực hiện ở miền Nam và trong một mức độ nào đó vẫn tin vào khả năng thống nhất đất nước bằng con đường hòa bình theo tinh thần của Hiệp định Giơ-ne-vơ. Vì vậy, trong những năm đầu sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, chúng ta vẫn còn loay hoay tìm kiếm con đường đúng đắn cho cách mạng miền Nam.
Phải sau bốn năm tiến hành cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định Giơnevơ với một chặng đường cách mạng đầy sóng gió với bao mất mát, hy sinh, đau thương, uất hận cùng những biến động thăng trầm của tình hình chính trị thế giới và chính sách đối ngoại của các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa (nhất là Trung quốc và Liên Xô), Chủ tịch Hồ Chí Minh vàĐảng ta mới rút ra được kết luận: Phải đặt cách mạng miền Nam trong cách mạng chung của cả nước và cách mạng nước ta trong cách mạng thế giới, thì mới vạch ra được đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn.
Trên tinh thần đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lần thứ 15 (mở rộng) khóa II, tháng 01-1959 xác định: Miền Bắc phải tiến lên chủ nghĩa xã hội. Miền Nam phải nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, tiến lên bằng con đường bạo lực cách mạng, ngoài con đường đó không còn con đường nào khác. Phương hướng cơ bản của cách mạng miền Nam là “Khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”[4].
Trong quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ, phức tạp, ta dùng hình thức đấu tranh chính trị là chủ yếu. Song, quân thù quyết dìm cách mạng trong biển máu, cho nên trong một chừng mực nhất định, ở những địa bàn nhất định, ta phải dùng vũ trang tuyên truyền, vũ trang tự vệ hỗ trợ cho đấu tranh chính trị. “Đó là một điều cần thiết. Tuy nhiên, khi sử dụng lực lượng vũ trang tự vệ và vũ trang tuyên truyền, cần phải thấu suốt nguyên tắc phục vụ cho đấu tranh chính trị, và phục tùng lợi ích của đấu tranh chính trị”[5].
Dù Nghị quyết 15 của Đảng chưa xác định đúng vai trò của đấu tranh vũ trang, nhưng rõ rànglà đến đây, nó đã được Đảng ta xác định là một trong hai hình thức (cùng với đấu tranh chính trị) nhằm đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đương đầu với bộ máy chiến tranh khổng lồ của đế quốc Mỹ, để tiến hành chiến tranh cách mạng giải phóng, cách mạng miền Nam tất yếu phải nhận được sự chi viện to lớn, kịp thời, toàn diện của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa mà trước hết là nguồn nhân lực và vũ khí, khí tài để tiến hành chiến tranh giải phóng miền Nam
Quán triệt quan điểmcách mạng bạo lực của Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa II),theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, tháng 5-1959,Quân ủy Trung ươngquyết định thành lập Phòng nghiên cứu hoạt động chi viện quân sự cho miền Nam.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Quân ủy Trung ương, ngày 19-5-1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (đơn vị tiền thân của Đoàn 559) được thành lập.
Ngày 01-6-1959, Tiểu đoàn 301 trực thuộc “Đoàn 559” ra đời. Tiểu đoàn có nhiệm vụ mở tuyến vận tải xuyên Trường Sơn để chi viện vũ khí, trang bị, lực lượng cho chiến trường miền Nam.
Đến tháng 7-1959, Tiểu đoàn 603 được thành lập, có nhiệm vụ nghiên cứu tìm phương thức vận chuyển bằng đường biển. Tiểu đoàn gồm 107 cán bộ, chiến sĩ, biên chế thành 2 đại đội, đóng quân tại thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Để giữ bí mật, Tiểu đoàn lấy tên là ”Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”.
Cuối năm 1959, công tác chuẩn bị cho vận chuyển đã cơ bản hoàn thành. Đại đội 1, Tiểu đoàn 603 tổ chức chuyến thuyền vượt biển đầu tiên chở 5 tấn vũ khí và thuốc chữa bệnh cho chiến trường Khu V, địa điểm cập bến là chân đèo Hải Vân. Chuyến đi đầu tiên không thành công. Nhận thấy việc dùng thuyền buồm gỗ chở vũ khí vào chiến trường miền Nam bằng đường biển rất nhiều khó khăn và không an toàn, Quân ủy Trung ương quyết định cho Tiểu đoàn 603 ngừng hoạt động. Trong khi chờ đợi trên tìm phương án mới, Tiểu đoàn 603 giải thể, các đại đội chuyển về Tiểu đoàn 301 làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn.
Đầu năm 1960, sau phong trào Đồng khởi Bến Tre, cách mạng của các tỉnh đồng bằng Nam Bộ chuyển mạnh lên thế tiến công và trở thành cao trào đồng khởi rộng khắp. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu và phát triển lực lượng của các tỉnh Nam Bộ và Nam Trung Bộ, yêu cầu cấp bách là phải nhanh chóng vận chuyển vũ khí, hàng hóa để chi viện cho chiến trường. Lúc này, tuyến đường bộ trên dãy Trường Sơn đã mở và hoạt động hiệu quả nhưng chưa vươn tới các địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng. Quân ủy Trung ương tiếp tục chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu khẩn trương nghiên cứu đề án mới về xây dựng và tổ chức lực lượng vận tải biển chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Khu V.
Trong khi chưa có lực lượng để làm nhiệm vụ vận chuyển trên biển chi viện cho miền Nam, Bộ Chính trị chỉ thị cho Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo các tỉnh ven biển ở miền Trung và Nam Bộ chủ động chuẩn bị bến, bãi và tổ chức đưa thuyền vượt biển ra miền Bắc, vừa thăm dò, nắm tình hình địch, nghiên cứu tuyến vận chuyển trên biển vừa nhận vũ khí để kịp thời cung cấp cho phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam đang phát triển.
Trước sự phát triển của phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam, đầu năm 1961,Thường trực Quân ủy Trung ương xác định: “Cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam đã bước vào một giai đoạn mới và ngày càng trở nên gay go, quyết liệt… Muốn đẩy mạnh cách mạng miền Nam tiến lên giành thắng lợi quyết định cần phải kiên quyết chi viện cho miền Nam những thứ mà chiến tranh cần thiết. Miền Bắc phải thực hiện nhiệm vụ này với tất cả khả năng của mình trên nguyên tắc góp sức đẩy mạnh cách mạng miền Nam nhưng vẫn giữ vững hòa bình ở miền Bắc… Việc chi viện cho miền Nam có tính chất lâu dài và toàn diện”[6]. Thường trực Quân ủy Trung ương cũng chỉ rõ: Lực lượng chi viện bao gồm con người và phương tiện vật chất. Con người là những cán bộ, nhân viên công tác góp phần xây dựng lực lượng tại chỗ của miền Nam. Phương tiện vật chất, chủ yếu trước hết là vũ khí và khí tài quân sự, thuốc men… giải quyết mức tối thiểu cho cả Liên khu 5 và Nam Bộ. Đường chi viện là đường bộ, đường không và đường thủy. Đường thủy có nhiều khả năng thực hiện. Vấn đề quan trọng là ta phải nắm được tình hình ở miền Nam. Thường trực Quân ủy Trung ương cũng chỉ rõ biện pháp tiến hành trong vận tải đường thủy là dùng phương tiện từ miền Bắc chở hàng vào miền Nam hoặc từ miền Nam ra chở hàng đưa vào và có thể dùng biện pháp từ trong miền Nam ra kết hợp từ ngoài miền Bắc đưa hàng vào gặp nhau chuyển hàng giữa đường. Như vậy, Đảng ta đã xác định nhiệm vụ vận tải đường biển chi viện cách mạng miền Nam là nhiệm vụ chiến lược, có tính lâu dài.
Ngày 23-10-1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 97/QP do Thứ trưởng Hoàng Văn Thái ký thành lập Đoàn 759 vận tải thủy. Đồng chí Đoàn Hồng Phước làm Đoàn trưởng. Cơ quan của Đoàn gồm có Ban Tham mưu, Ban Chính trị, Ban Hậu cần. Lực lượng của Đoàn ban đầu có 38 cán bộ, chiến sĩ; trong đó 20 đồng chí thuộc các thuyền của Bến Tre, Trà Vinh và Liên khu V vừa điều ra. Đoàn có nhiệm vụ mua sắm phương tiện, vận chuyển tiếp tế cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Đoàn đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng Tư lệnh, lấy nhà số 83 Lý Nam Đế (Hà Nội) làm trụ sở.
Lịch sử Việt Nam hơn một thế kỷ nay chứng tỏ rằng chủ nghĩa thực dân dù là cũ hay mới đều coi bạo lực phản cách mạng, coi chiến tranh, coi đội quân xâm lược và vũ khí, khí tài quân sự là phương tiện chủ yếu để áp đặt nền thống trị của chúng. Con đường sống của các dân tộc bị áp bức nói chung và nhân dân miền Nam nói riêng vì vậy phải là con đường cách mạng bạo lực, mà trong đó, đấu tranh quân sự và giành thắng lợi trên mặt trận quân sự. Sự chi viện vũ khí, khí tài quân sự của miền Bắc đối với miền Nam thông qua đường Hồ Chí Minh trên biển có vai trò quan trọng đối với thắng lợi của quân và dân miền Nam trong các chiến dịchtrên chiến trường miền Nam.
Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành biểu tượng sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu trí, đấu lực với kẻ thù; nơi tỏa sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng; lòng quả cảm, trí thông minh và quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của dân tộc Việt Nam anh hùng. Đi vào cuộc trường chinh chống Mỹ, cứu nước, hành trang – vũ khí sắc bén của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh chính là niềm tin sắt son vào sự nghiệp cách mạng do Đảng và Bác Hồ lựa chọn. Niềm tin ấy của các thế hệ người Việt Nam được hun đúc, bồi đắp bằng sự quan tâm, chăm lo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; được tiếp thu, truyền thụ qua môi trường giáo dục xã hội chủ nghĩa, qua những biểu tượng, hình tượng của con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức sâu sắc về giá trị của độc lập, tự do, luôn sẵn sàng hy sinh, phấn đấu cho sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất non sông gấm vóc.
Với ý nghĩa đó, lực lượng vận tải quân sự đường biển đã thể hiện một bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sự mưu trí, dũng cảm hiếm có để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Không có bản lĩnh chính trị vững vàng thì không thể thực hiện được nhiệm vụ gian khó đặt ra, nhất là trong buổi đầu hình thành lực lượng vận tải quân sự đường biển, vấn đề soi đường, thông đường, tổ chức chuẩn bị phương tiện, bến bãi. Đó quả là quá trình tìm tòi, khảo nghiệm công phu, đồng thời là sự thử thách ý chí, quyết tâm của cả một tập thể, từ người chỉ huy cho đến thủy thủ, sự phối hợp ăn khớp giữa hậu phương và tiền tuyến. Không có tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sự mưu trí, dũng cảm hiếm có thì khó có thể thực hiện được cuộc vượt biển vào Nam với bao hiểm nguy rình rập. Trên con đường vận chuyển ấy, cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” đã xác định quyết tâm, âm thầm hy sinh tình cảm gia đình và bản thân, biết rằng ra đi là cảm tử, vẫn chấp nhận gian nguy, đương đầu với khó khăn thử thách.
Vượt lên tất cả là chiến thắng chính bản thân mình, đòi hỏi cao ý chí kiên định, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo và kỷ luật nghiêm minh. Thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung và thành công của công cuộc chi viện chiến trường bằng Đường Hồ Chí Minh trên biển nói riêng thực sự là biểu tượng sinh động cho giá trị, phẩm chất và hào khí bất khuất của con người Việt Nam. Đây chính là nhân tố trung tâm, quyết định tạo nên sức mạnh phi thường để nhân dân Việt Nam đương đầu và đánh thắng quân xâm lược Mỹ[7].
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là sự hội tụ, kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó đường Hồ Chí Minh trên bộ xuyên dãy Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh trên biển có vai trò quan trọng. Đây thực sự là một minh chứng của sự sáng tạo độc đáo về tài thao lược và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy Trung ương trong cuộc đấu trí, đấu lực với các âm mưu và thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù, nhằm ngăn chặn sự chi viện sức mạnh của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam. Cùng với đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển đã nối liền miền Bắc với miền Nam, “là biểu tượng của quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, của ý chí và tình cảm thống nhất đất nước, của sức mạnh tinh thần và trí tuệ của dân tộc Việt Nam đã chiến thắng sức mạnh vật chất kỹ thuật hiện đại của đế quốc Mỹ”[8]./.
(Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961- 23/10/2021: Giá trị lịch sử và hiện tại, Hội thảo do Học viện Chính trị khu vực III phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đồng tổ chức ngày 21 tháng 10 năm 2021)
———————————————————————
[1] Từ năm 1950, đế quốc Mỹ can thiệp ngày càng sâu vào cuộc chiến tranh xâm lược do Pháp tiến hành ở Đông Dương. Đến năm 1953, viện trợ của Mỹ chiếm trên 70% chiến phí của Pháp ở Đông Dương.
[2] Tháng 7-1956, Ngô Đình Diệm tuyên bố: Không có hiệp thương, tổng tuyển cử!
[3] Số liệu thống kê tình hình tổn thất của phong trào cách mạng miền Nam giai đoạn 1955-1958.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập,Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t.20,tr. 82, 84.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.20, tr. 82, 84.
[6] Hồ sơ số 285 – Phòng Quân ủy Trung ương, lưu tại Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng.
[7] Lịch sử Lữ đoàn 125 Hải quân, Nxb Quân đội nhân dân, H, 2001, tr.47-201.
[8] Võ Nguyên Giáp:Đường Hồ Chí Minh một sáng tạo chiến lược của Đảng, Nxb QĐND, H, 1999, tr. 24.