MỖI TUẦN 1 ĐIỀU LUẬT: Điều khiển xe máy đứng tên người khác cần chú ý những điều gì?

1. Xe không chính chủ được hiểu ra sao?

Cụ thể tại tại điểm i khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định lỗi xe không chính chủ là hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế.

Theo đó, chủ xe máy phải làm thủ tục sang tên xe tại cơ quan Công an, để cơ quan có thẩm quyền cấp, ghi nhận biển số xe đã có chủ trên hệ thống quản lý. Trường hợp không thực hiện thủ tục trên được xem là xe không chính chủ.

2. Chủ xe có bắt buộc phải làm thủ tục sang tên xe máy?

Trường hợp chủ xe nhận xe từ việc mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế Trách nhiệm của chủ xe thì căn cứ Điều 6 Thông tư 58/2020/TT-BCA như sau:

Chấp hành các quy định của pháp luật về đăng ký xe; đến cơ quan đăng ký xe theo quy định tại Điều 3 Thông tư 58/2020/TT-BCA, kê khai đầy đủ nội dung trên giấy khai đăng ký xe và xuất trình giấy tờ theo quy định tại Điều 9 Thông tư 58/2020/TT-BCA.

Đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của xe và hồ sơ đăng ký xe; nộp lệ phí đăng ký. Nghiêm cấm mọi hành vi giả mạo hồ sơ và tác động làm thay đổi số máy, số khung nguyên thủy để đăng ký xe.

Đưa xe đến cơ quan đăng ký xe để kiểm tra đối với xe đăng ký lần đầu, xe đăng ký sang tên, xe cải tạo, xe thay đổi màu sơn. Trước khi cải tạo xe, thay đổi màu sơn (kể cả kẻ vẽ, quảng cáo), chủ xe phải khai báo trên trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông tại mục khai báo cải tạo xe, thay đổi màu sơn.

Hoặc trực tiếp đến cơ quan đăng ký xe và được xác nhận của cơ quan đăng ký xe thì mới thực hiện; làm thủ tục đổi lại Giấy chứng nhận đăng ký xe khi xe đã được cải tạo hoặc khi thay đổi địa chỉ của chủ xe.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe thì tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng, được phân bổ, thừa kế xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục cấp đăng ký, biển số.

3. Mức phạt hành vi điều khiển xe không chính chủ

Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định mức phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện hành vi vi:

Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô.

Tuy nhiên, theo khoản 10 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe chỉ bị xử phạt nếu bị phát hiện trong 2 trường hợp sau: thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông và qua công tác đăng ký xe.

Như vậy, trong trường hợp thông thường, điều khiển xe đứng tên người khác tham gia giao thông mà xuất trình được đầy đủ giấy tờ theo quy định gồm: giấy đăng ký xe; giấy phép lái xe; giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ôtô) thì sẽ không bị xử phạt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *