Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
1. Kế toán trưởng là ai?
Theo khoản 1 Điều 53 Luật Kế toán 2015, kế toán trưởng là người đứng đầu bộ máy kế toán của đơn vị có nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác kế toán trong đơn vị kế toán.
2. Doanh nghiệp có bắt buộc có kế toán trưởng không?
Cụ thể tại khoản 1 Điều 20 Nghị định 174/2016/NĐ-CP, đơn vị kế toán phải bố trí kế toán trưởng trừ các đơn vị quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định 174/2016/NĐ-CP.
Trong đó, đơn vị kế toán trong lĩnh vực kinh doanh bao gồm doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; ban quản lý dự án, đơn vị khác có tư cách pháp nhân do doanh nghiệp thành lập.(Khoản 1 Điều 3 Nghị định 174/2016/NĐ-CP) |
Như vậy, doanh nghiệp bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng, trừ các doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng.
Trường hợp doanh nghiệp chưa bổ nhiệm được ngay kế toán trưởng thì bố trí người phụ trách kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán trưởng theo quy định. Thời gian bố trí người phụ trách kế toán tối đa là 12 tháng, sau thời gian này doanh nghiệp phải bố trí người làm kế toán trưởng.
3. Không bố trí kế toán trưởng, doanh nghiệp bị phạt bao nhiêu?
Theo điểm a khoản 2 Điều 17 Nghị định 41/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp không bố trí người làm kế toán trưởng hoặc không thuê tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ kế toán làm kế toán trưởng theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
4. Trách nhiệm và quyền hạn của kế toán trưởng
4.1. Trách nhiệm của kế toán trưởng
Trách nhiệm của kế toán trưởng bao gồm:
– Thực hiện các quy định của pháp luật về kế toán, tài chính trong đơn vị kế toán;
– Tổ chức điều hành bộ máy kế toán theo quy định của Luật Kế toán 2015;
– Lập báo cáo tài chính tuân thủ chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán.
4.2. Quyền của kế toán trưởng
Kế toán trưởng có các quyền sau đây:
(i) Kế toán trưởng có quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán.
(ii) Kế toán trưởng của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, ngoài các quyền quy định tại (i) còn có các quyền sau đây:
– Có ý kiến bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán về việc tuyển dụng, thuyên chuyển, tăng lương, khen thưởng, kỷ luật người làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ;
– Yêu cầu các bộ phận liên quan trong đơn vị kế toán cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu liên quan đến công việc kế toán và giám sát tài chính của kế toán trưởng;
– Bảo lưu ý kiến chuyên môn bằng văn bản khi có ý kiến khác với ý kiến của người ra quyết định;
– Báo cáo bằng văn bản cho người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán trong đơn vị;
Trường hợp vẫn phải chấp hành quyết định thì báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người đã ra quyết định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành quyết định đó.
(Điều 55 Luật Kế toán 2015)