Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thống – đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” đã thành một truyền thống không chỉ trong đời sống chính trị mà đã trở thành đạo lý, đạo đức xã hội trong cuộc sống của chúng ta.
Trong chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân Việt Nam luôn phải đương đầu với bao khó khăn, thử thách từ thiên tai, địch họa để tồn tại, phát triển và biết bao người đã dũng cảm chiến đấu, sẵn sàng xả thân vì nghiệp lớn. Qua từng giai đoạn lịch sử, để ghi ơn công lao to lớn của họ, các triều đại đều có những chính sách đãi ngộ và động viên toàn dân chăm lo cho những người đã quên mình vì dân vì nước cũng như cho gia đình họ bằng những việc làm thiết thực. Sự thể hiện tình cảm đó hết sức phong phú, sinh động, được gắn kết chặt chẽ giữa tập tục tín ngưỡng với lòng biết ơn sâu sắc và sự tôn vinh những người con ưu tú của đất nước với nhiều hình thức như: lập đền, miếu thờ cúng, phong thần… Tiếp thu truyền thống tốt đẹp ấy, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thống – đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” đã thành một truyền thống không chỉ trong đời sống chính trị mà đã trở thành đạo lý, đạo đức xã hội trong cuộc sống của chúng ta.
Bởi vậy, mà trước lúc đi xa, trong lời căn dặn đầy tâm huyết để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết những dòng tha thiết về những việc cần làm đối với thương binh và gia đình liệt sĩ: “Đầu tiên là công việc đối với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong …), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực, cánh sinh”. Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ), mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”(1).
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các anh hùng liệt sĩ, cho những người đã cống hiến một phần xương máu của mình vì sự độc lập, tự do của dân tộc, bởi “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn liệt sĩ”(2). Tháng 1/1947, nghe tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng hy sinh, Người viết thư riêng cho ông với những lời lẽ hết sức cảm động: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam”(3).
Trong những tháng năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, bao đồng bào, đồng chí đã ngã xuống, vĩnh viễn nằm lại hoặc đổ máu trên các chiến trường. Nhiều gia đình mất đi cả chồng, con; nhiều người vợ trẻ chỉ hưởng hạnh phúc duy nhất trong ngày cưới, nỗi đau ấy không có gì bù đắp được. Để sẻ chia làm dịu nỗi đau mất mát của gia đình đồng bào chiến sĩ, thể theo đề nghị của Bác Hồ, Chính phủ đã vận động thành lập một tổ chức với tên gọi “Hội giúp binh sĩ tử nạn”. Đầu năm 1946, “Hội giúp binh sĩ tử nạn” được thành lập đầu tiên tại Thuận Hóa – Huế, sau đó đến Hà Nội và một số địa phương khác. Ít lâu sau, tên Hội được đổi thành “Hội giúp binh sĩ bị thương”. Ở Trung ương có thành lập Tổng hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Hội trưởng danh dự của Tổng hội. Trong Lễ khai mạc “Xung phong mùa đông binh sĩ” được tổ chức chiều ngày 16/11/1946 tại Nhà hát thành phố Hà Nội do Hội tổ chức để giúp đỡ các chiến sĩ trong mùa đông giá rét, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và phát biểu trong buổi lễ: “Nước ta được giải phóng là nhờ có xương máu của toàn dân và xương máu của các chiến sĩ đã hy sinh nơi tiền tuyến… ở hậu phương chúng ta có gia đình ấm áp, ở tiền phương các binh sĩ phải chịu rét mướt… Bây giờ, tôi có hai chiếc áo rét. Một chiếc tôi mặc đã mấy năm nay và một chiếc của ủy ban vận động mùa đông binh sĩ vừa may biếu tôi. Cả hai chiếc tôi tặng các binh sĩ ngoài mặt trận”(4). Hưởng ứng lời kêu gọi với nghĩa cử cao đẹp làm gương của Người, nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu của mình cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh.
Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” tất cả mọi lực lượng mọi tầng lớp nhân dân đều hăng hái xung phong ra trận. Số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên. Các đồng chí thương binh, gia đình nhiều liệt sĩ gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn trong sự khó khăn chung của cả nước. Khi đó, cùng với việc tiếp tục kêu gọi giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ, ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh liệt sĩ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc.
Để công tác này trở thành nền nếp và được toàn xã hội ủng hộ, góp phần coi công việc đó là bổn phận của mọi người, mỗi gia đình và mỗi đoàn thể, tháng 6/1947, giữa những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày thương binh liệt sĩ. Thực hiện chỉ thị của Người, một Hội nghị gồm đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc đầu tiên trong cả nước. Tại buổi mít tinh, Ban tổ chức đã cử đại diện Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho Ban Thường trực của Ban Tổ chức Ngày thương binh toàn quốc Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”(5). Nhân ngày thương binh toàn quốc lần thứ nhất này, Người đã ủng hộ “xin xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, 1 tháng lương của tôi, 1 bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng”(6).
Kể từ đó, ngày Thương binh liệt sĩ được tổ chức thường kỳ hằng năm. Năm nào vào dịp này, dù bận trăm công nghìn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không quên dành thời gian đến thăm hoặc gửi thư thăm hỏi động viên thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Qua những bức thư tháng bảy ân tình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định công lao to lớn của các liệt sĩ, thương binh, chia sẻ đau thương, mất mát đối với thân nhân họ và thể hiện tình cảm lớn lao sâu nặng của Người đối với thương binh, liệt sĩ. Ngoài những việc làm nghĩa cử của bản thân, đối với thương binh, liệt sĩ, Người nhấn mạnh: Để phong trào đền ơn đáp nghĩa trở thành một phong trào có sức lan tỏa sâu rộng trong thực tiễn, có hiệu quả và thiết thực, toàn Đảng, toàn dân phải vinh danh, ghi nhận công lao to lớn của thương binh, liệt sĩ và làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa. Nhiều tổ chức Hội như “Hội mẹ chiến sĩ”, “Hội ủng hộ thương binh” được thành lập; nhiều phong trào như “Trần Quốc Toản”, “Đón thương binh về làng” được phát động rộng rãi, góp phần cùng Đảng, Nhà nước chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, thắt chặt thêm tình quân dân như “cá với nước”.
Tháng 7/1954, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng và Nhà nước ta càng đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề gia đình liệt sĩ và công tác thương binh bằng những chính sách ưu đãi cụ thể. Năm 1955, Ngày Thương binh toàn quốc được đổi thành Ngày Thương binh, liệt sĩ. Trong suốt 24 năm trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến các thương binh, liệt sĩ, cứ đến ngày này, Bác lại gửi thư nhắc nhở các Bộ, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng về công tác thương binh, liệt sĩ. Không chỉ thế, Người còn là tấm gương sáng, nói đi đôi với làm, gương mẫu thực hiện nhiệm vụ đó một cách thiết thực, để toàn dân tự nguyện noi theo: cùng với việc gửi thư thăm hỏi ân cần, Người còn gửi tiền lương và các đồ dùng khác, như: khăn mặt, quần áo… mà đồng bào các nơi biếu Người để góp vào quỹ, làm quà cho anh em thương binh, gia đình liệt sĩ. Người luôn luôn cùng Đảng và Chính phủ tạo mọi điều kiện để thương binh thực sự là những người “Tàn nhưng không phế” vẫn hăng say lao động cống hiến và trở thành những tấm gương cho xã hội khâm phục và noi theo. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 08/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27-7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” của cả nước.
Tiếp nối truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sĩ, 50 năm qua trong điều kiện kháng chiến cũng như hòa bình, trong xây dựng và phát triển, dù đất nước còn nhiều khó khăn, Đảng, Nhà nước ta vẫn cố gắng thực hiện đúng những điều căn dặn trước lúc đi xa của Người về công tác thương binh, liệt sĩ. Nhiều chủ trương, chính sách lớn đôi với thương binh, liệt sĩ đã được ban hành. Hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách tôn vinh, ưu đãi, chăm sóc người có công ngày càng được hoàn thiện. Diện người có công được mở rộng, chế độ chăm sóc, ưu đãi được nâng lên dần. Các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, hết sức phong phú, sáng tạo, là nét đẹp văn hoá trong đời sống xã hội. Các thế hệ người Việt Nam hôm nay luôn tưởng nhớ đến những anh hùng liệt sĩ, các mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh đã hi sinh tuổi xuân của mình cho Tổ quốc với lòng biết ơn, sự kính trọng sâu sắc. Kết hợp giữa trách nhiệm và xã hội hóa việc chăm sóc thương binh và các gia đình liệt sĩ… chính là những biểu hiện cụ thể cho việc thực hiện lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sĩ.
Năm 2019, tròn 50 năm kể từ khi bản Di chúc lịch sử được công bố, chúng ta lại có dịp cùng nhau ôn lại những lời căn dặn của Người về công tác thương binh, liệt sĩ, về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” để không chỉ làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa đối với những người đã vì đất nước mà hy sinh, mà thông qua những hoạt động này còn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, trách nhiệm của mỗi người, nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hình chữ S và cũng là những việc làm thiết thực nhất trong cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
(Theo: ditichhochiminhphuchutich)