Quần thể đỗ quyên rừng trăm tuổi, được coi là báu vật của đồng bào Cơtu (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Báu vật này này đang được chính quyền từng bước khai thác, đón khách tham quan và đây là cơ hội để nhiều người có thể chiêm ngưỡng rừng đỗ quyên trăm tuổi trên đỉnh Trường Sơn.
Quần thể đỗ quyên rừng mọc trên đỉnh K’Lang (thuộc thôn Abanh 2, xã Tr’hy, huyện Tây Giang, Quảng Nam) ở độ cao 2.005 m. Khu rừng này được coi như báu vật của người Cơ Tu, và là một trong số ít rừng đỗ quyên nguyên sinh, còn lại ở Việt Nam.
Tại đây, hơn 430 cây đỗ quyên tuổi đời trăm tuổi đã được công nhận là cây di sản Việt Nam. Trong đó, có hai loài đỗ quyên chính là lá rộng và lá kim. Chúng sống xen kẽ nhau, không có loài cây nào khác có thể chen vào được.
Từ tháng hai trở đi, hoa đỗ quyên nở dày đặc trên các triền núi tạo ra sự hoán đổi về cảnh sắc. Hoa đỗ quyên có đầy đủ màu từ trắng, trắng pha hồng, tím, đỏ.
Hệ sinh thái trong rừng còn nguyên vẹn vì chưa chịu nhiều sự tác động của con người. Đồng bào Cơ Tu gọi là rừng ma vì các thân cây ở đây xoắn vào nhau.
Thân cây đỗ quyên được phủ kín bởi thảm rêu chuyển sắc, từ xanh, xanh thẫm đến ngả vàng.
Khắp nơi chỉ có màu xanh mướt của rêu.
Du khách tự thưởng cho mình những giây phút ngồi im dưới nắng.
Giữa rừng có một thung lũng nhỏ là nơi sinh sống của vài hộ dân Cơ Tu. Họ coi việc bảo vệ rừng như sinh mạng, hàng ngày chỉ lấy từ rừng như thứ cần để phục vụ cho sinh hoạt.
Cùng với rừng Lim và Pơ Mu, rừng đỗ quyên cũng là một trong những điểm đến đang được chính quyền huyện Tây Giang từng bước khai thác, đón khách tham quan du lịch, chủ yếu là hoạt động trekking.
Ảnh và bài: Sưu tầm.