Sắc màu mới về du lịch sinh thái cộng đồng ở Tây Giang

Nói đến Tây Giang, Tỉnh Quảng Nam, du khách không chỉ biết đến về một huyện vùng cao nằm sát biên giới Việt – Lào, có diện tích độ che phủ rừng tự nhiên chiếm gần 70% diện tích toàn huyện, với hơn 1.146 cây di sản Việt Nam lớn nhất khu vực Đông Nam Á, hay điểm du lịch sinh thái Đỉnh quế 1369 được ví như Sapa thu nhỏ giữa lòng miền trung được thiên nhiên ưu đãi ban tặng khí hậu, thời tiết mát mẻ quanh năm, mây trắng xóa bồng bềnh bên cánh rừng Đỗ quyên cổ trên đỉnh Arung có độ cao hơn 2005 mét so với mực nước biển, mà còn được biết đến về cách làm du lịch, sinh thái cộng đồng mang đậm văn hóa làng Cơtu.

Khách đến đây, như đứa con xa quê trở về nhà, về làng, được dân làng đón chào nồng hậu theo nét riêng của người Cơtu- Tây Giang. Điểm du lịch sinh thái cộng đồng Ta Lang, xã Bha lêê, huyện Tây Giang (Quảng Nam) là một thí dụ điển hình. Làng du lịch sinh thái cộng đồng Ta Lang được Viện phát triển Châu Á, Dự án Trường Sơn xanh, Hội du lịch cộng đồng Việt Nam chọn làm thí điểm để xây dụng mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng đầu tiên ở Tỉnh Quảng Nam.

Già làng Cơtu làm lễ nhập làng cầu an cho khách du lịch

Phát triển du lịch từ Văn hóa làng Cơtu Cũng như các mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng ở các tỉnh Tây Bắc, nhưng cách làm du lịch ở làng Ta Lang có những nét riêng và độc đáo, phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của làng, đó là: Văn hóa làng Cơtu để xây dựng và phát triển du lịch xanh, nhanh và bền vững hài hòa với môi trường thiên nhiên mà không làm mất đi bản sắc của dân tộc, văn hóa làng nhất là tính cấu kết cộng đồng làng luôn được đề cao và đặt lên hàng đầu.

Tại buổi lễ Khai trương, anh Arất Blúi, Phó chủ tịch Ủy ban nhân huyện Tây Giang cho biết: Trong định hướng xây dựng và phát triển du lịch ở Tây Giang để phát triển nhanh nhưng phải đặt vấn đề bền vững lên hàng đầu và giữ được bản sắc, vốn quý của dân tộc Cơtu, Tây Giang luôn đề cao khẩu hiệu đặc trưng của huyện đó là “Lấy văn hóa làng đoàn kết dân tộc, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, lấy văn hóa làng nuôi sống người làm công tác văn hóa và lấy Văn hóa làng thu hút đầu tư, phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng”, thứ hai “Rừng còn Tây Giang phát triển bền vững, rừng mất Tây Giang suy vong”.

Độc đáo bài hát mời rượu tại làng du lịch sinh thái cộng đồng Ta Lang. Ảnh: Pơloong Plênh Rừng là trụ cột để phát triển kinh tế xanh, nhanh và bền vững. Ngoài các yếu tố về cơ sở, vật chất, con người làm du lịch, muốn phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng phát triển bền vững thì môi trường sinh thái, văn hóa cộng đồng làng là hai thành tố quan trọng để xây dựng thành công ngành kinh tế không khói đi đúng hướng và hiệu quả, ở đây rừng không những cho con người môi trường sống trong lành, cho con người những sản vật quý giá, điều tiết và tạo ra nguồn nước mát trong lành chảy ngầm qua các khe suối, thành các dòng sông lớn như sông Avương, sông Lăng…. mang nguồn nước sạch cho con người, đối với người Cơtu nói riêng, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng Trường Sơn- Tây nguyên.

Dịu dàng điệu Da dắ của người phụ nữ Cơtu tại làng DLSTCĐ Ta Lang

Rừng còn là một đấng linh thiêng, là cội nguồn sản sinh ra các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào nơi đây, tất cả các lễ nghi, biểu tượng văn hóa cũng đều bắt nguồn và gắn liền với Rừng, riêng người Cơtu có Lễ hội Khai năm tạ ơn rừng thường được cộng đồng làng tổ chức hàng năm vào tháng Giêng, như để tri ân đến Mẹ Rừng Đại ngàn, đến tài nguyên thiên nhiên, qua đó giáo dục con cháu, trân quý các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ rừng và tài nguyên thiên nhiên luôn trường tồn và phát triển cùng dân tộc. Để màu xanh của Trường Sơn đại ngàn luôn xanh mãi đồng thời thu hút khách du lịch về với địa phương tham gia trải nghiệm lễ hội. Du lịch trách nhiệm với môi trường và gắn kết cộng đồng bền chặt.

Làng du lịch sinh thái cộng đồng Ta Lang, thuộc xã Bhalêê, huyện Tây Giang nằm bên con suối Chơr Lang hiền hòa, bên trục đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Nơi đây còn lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa Cơtu đặc sắc, tiêu biểu như nghề chế tác và trình diễn các loại hình nhạc cụ dân tộc của cố nghệ nhân Alăng Avel, người đã sáng chế nhiều loại hình nhạc cụ độc đáo như aheen (sáo 3 lỗ), abel (đàn cò)….cùng nhiều loại hình văn hóa khác đang được cộng đồng làng giữ gìn, bảo tồn và phát huy đưa vào khai thác và phục vụ khách du lịch.

Độc đáo bài hát mời rượu của người Cơtu làng Talang

Đây là kho báu của dân tộc Cơtu nói riêng, cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung. Từ những kho báu văn hóa Cơtu này nếu được chúng ta đánh thức, khôi phục, khai thác đúng cách kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng một cách khoa học và hiệu quả, sẽ góp phần tạo công văn việc làm, nguồn thu nhập cho cộng đồng làng, qua đó góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

Du lịch phát triển sẽ kéo theo hai mặt vừa tích cực và tiêu cực nếu không được quản lý, khai thác đúng hướng, nhưng cách làm ở Ta Lang luôn lấy lợi ích của cộng đồng làng, của dân tộc vì sự tiến bộ và phát triển bền vững lên hàng đầu, quyết tâm giữ môi trường sống trong lành, bảo tồn và phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Cơtu, nói không với rác thải nilon, chai nhựa, ảnh hưởng đến môi trường, nói không với săn, bắt động vật hoang dã, làm nương, rẫy ảnh hưởng đến rừng già, nhất là rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *