TCCS – Gieo rắc hoài nghi, xét lại lịch sử hòng dẫn tới dao động, mất niềm tin vào hiện tại, gây hoang mang về sự phát triển trong tương lai là ý đồ thâm độc mà các thế lực phản động, thù địch, bằng những chiêu trò, thủ đoạn khác nhau, ra sức tấn công trên mặt trận tư tưởng. Do đó, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền lịch sử Đảng càng có vị trí rất quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Nhận diện một số thủ đoạn xuyên tạc, bóp méo lịch sử Đảng
Lịch sử càng lùi xa, các chứng nhân lịch sử dần không còn; với ngày càng nhiều những sự kiện quan trọng xảy ra trong thực tiễn, ký ức, nhận thức, tư tưởng con người có thể bị phai mờ về một số nội dung, sự kiện lịch sử. Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch, phản động thường ra sức cắt xén, thêm bớt, đánh tráo khái niệm, xét lại lịch sử, “đổi trắng thay đen”, bôi nhọ lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong bối cảnh công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, cùng với những thuận lợi cơ bản, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đã đạt được, đất nước ta cũng phải đối diện với những khó khăn và trở lực không nhỏ. Các thế lực thù địch trong nước và ngoài nước không ngừng thực hiện âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” hòng gây bạo loạn, lật đổ, chống phá cách mạng Việt Nam. Một trong những thủ đoạn thâm độc, tinh vi của chúng là tấn công vào nền tảng lịch sử của Đảng, hòng xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam.
Thông qua các bài viết, nhân danh cái gọi là các “công trình khoa học”, các diễn đàn, hội thảo,… viện lý do nghiên cứu làm rõ lịch sử, các thế lực thù địch, phản động ra sức tấn công vào lịch sử Đảng. Chúng xoáy vào một số sự kiện lịch sử, một số thời đoạn của lịch sử, với những đánh giá sai lệch, hoặc thổi phồng sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, bịa đặt, bôi nhọ các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử,… hòng phủ nhận những thành quả cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.
Các thế lực thù địch, phản động ra rả mấy luận điệu mang tính chủ quan, khiên cưỡng, như Đảng Cộng sản Việt Nam dựa trên nền tảng tư tưởng “du nhập”, “vay mượn” từ bên ngoài; Việt Nam đã “độc lập từ tháng 3-1945”, những người cộng sản Việt Nam và Việt Minh “cướp công” trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945; thổi phồng những sai lầm của Đảng trong cải cách ruộng đất; đánh giá sai lệch về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968; phê phán Việt Nam đưa quân sang “xâm lược Cam-pu-chia” năm 1979 (!?),…
Bám vào sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu, các thế lực thù địch, phản động rêu rao rằng: chủ nghĩa Mác – Lê-nin là sai lầm từ trong bản chất chứ không phải do nhận thức và vận dụng sai(?!); chủ nghĩa Mác – Lê-nin không phải là sản phẩm của thực tiễn Việt Nam, Hồ Chí Minh du nhập chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào Việt Nam là “một sai lầm của lịch sử”, “đã kìm hãm sự phát triển của đất nước”(!?),…
Bên cạnh đó, cũng xuất hiện một số cách nhìn, nghiên cứu sai trái, thiển cận, cả những dấu hiệu của căn bệnh lười học tập, nghiên cứu lý luận, điển hình như biện luận rằng dân tộc Việt Nam không cần thiết tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để giành nền độc lập trọn vẹn, tiến tới thống nhất đất nước, mà Việt Nam vẫn có thể thực hiện được sự thống nhất đất nước theo mô hình của Đức ở châu Âu…; có hiện tượng đáng ngại là xuất hiện những ý kiến “đánh giá lại lịch sử”; ngại viết, ngại nói về lịch sử Đảng, cho rằng viết về Đảng là “không khách quan”, “không khoa học”; đòi xem xét, đánh giá lại những vấn đề lịch sử, thậm chí còn hàm hồ cho rằng những nhân vật phản diện cũng là những “người yêu nước”(!?)… Những luận điệu xuyên tạc, những nhận định lệch lạc, sai lầm, ấu trĩ về lịch sử Đảng, lịch sử đấu tranh cách mạng, lịch sử dân tộc diễn ra liên tục, lặp đi lặp lại, kéo dài với nhiều hình thức, nhiều biểu hiện, vừa ráo riết, vừa âm thầm; đáng quan ngại nhất là được che đậy dưới chiêu bài “khách quan”, “khoa học”.
Hiện nay, tận dụng lợi thế của các phương tiện truyền thông xã hội có hiệu ứng rất lớn, rất nhanh; sự kiểm duyệt thông tin khó khăn; có thể thực hiện từ xa, ít bị định chế bởi các biên giới cứng, các thế lực phản động, thù địch, phần tử định kiến triệt để lợi dụng kênh thông tin này để phát tán, tuyên truyền sai sự thật nhiều vấn đề lịch sử hòng gây hoang mang, dao động, hoài nghi, ngả nghiêng trong nhận thức, tư tưởng; kích động sự hận thù giữa nhóm người này với nhóm người kia, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hơn ai hết, các thế lực thù địch, phản động thừa biết rằng, xuyên tạc, bóp méo, bôi đen lịch sử Đảng chính là đánh phá trực tiếp vào cơ sở thực tiễn, cơ sở chính trị, vào nền tảng lịch sử của Đảng. Lịch sử thuộc về những gì đã qua, ngày càng ít người biết đến, nên việc bịa đặt, dàn dựng, đưa ra các “thuyết âm mưu”,… dễ dàng hơn rất nhiều so với tấn công vào các vấn đề hiện tại – những vấn đề mà tự kết quả, hiệu quả, các con số thống kê có thể lập tức phản bác những ý đồ, âm mưu đen tối. Do đó, các thế lực thù địch, phản động coi lịch sử là một địa hạt, mặt trận quan trọng để tấn công trực tiếp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài học từ sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu cho thấy, việc nhận thức không đúng về lịch sử, hoài nghi về lịch sử, xem xét lại lịch sử có thể gây ra những hậu quả khôn lường.
Nhận thức sâu sắc những vấn đề đó, trong giai đoạn hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam kịp thời đề ra đường lối, chủ trương và có sự chỉ đạo hành động đúng đắn, quyết liệt, là “kim chỉ nam” cho công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền lịch sử Đảng. Quan điểm của Đảng khẳng định rõ, việc củng cố, tăng cường nhận thức về lịch sử Đảng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân luôn là đòi hỏi thường xuyên, cấp bách, tất yếu trong công tác tư tưởng của Đảng; đồng thời, có vị trí rất quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư, “Về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, khẳng định: Nghiên cứu sâu sắc lịch sử Đảng là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm làm rõ các chặng đường lịch sử và hoạt động đấu tranh của Đảng, tổng kết thực tiễn lịch sử dân tộc. Nghiên cứu lịch sử Đảng không chỉ nêu bật những thắng lợi, những thành tựu của cách mạng, mà còn phải chỉ ra, không tránh né, cả những sai lầm, khuyết điểm, làm sáng tỏ những bài học, những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam, giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, bồi dưỡng tình cảm yêu nước, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, các cấp ủy từ Trung ương đến địa phương và toàn thể đảng viên nâng cao nhận thức, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Nghiên cứu, tổng kết lịch sử Đảng làm cho mọi cán bộ, đảng viên và toàn dân hiểu về Đảng, là giáo dục về Đảng; là tổng kết thực tiễn lịch sử, làm rõ lý luận về con đường cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm rõ bài học và lý luận về xây dựng Đảng là góp phần quan trọng vào công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử các đảng bộ địa phương và một số ngành và đoàn thể ở Trung ương do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ban thường vụ các cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo về mọi mặt.
Trước tình hình mới, nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng và bối cảnh cuộc đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử ngày càng quyết liệt, công tác nghiên cứu, tuyên truyền lịch sử Đảng đứng trước những yêu cầu, thử thách mới. Ngày 18-1-2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW, “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng” với những yêu cầu mạnh mẽ, đặc biệt nhấn mạnh phải đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, trước hết là của người đứng đầu, về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; chủ động đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử Đảng.
Công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền lịch sử Đảng, góp phần đấu tranh chống xuyên tạc lịch sử, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, các bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành phố đã nghiên cứu, biên soạn, xuất bản 10.325 công trình khoa học lịch sử Đảng; trong đó có 865 công trình cấp tỉnh, 1.336 công trình cấp huyện; 6.385 công trình cấp xã; 1.371 công trình của các sở, ban, ngành, đoàn thể và 365 công trình do Viện Lịch sử Đảng biên soạn và xuất bản(1). Cùng với các công trình lịch sử Đảng bộ, các công trình lịch sử với nhiều thể loại, như lịch sử truyền thống cách mạng của các ban, ngành, đoàn thể, lịch sử công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang, lực lượng công an,… được xuất bản. Đặc biệt, trong số 365 công trình của Viện Lịch sử Đảng, có những công trình tiêu biểu: Lịch sử Xứ ủy – Trung ương Cục miền Nam (1954 – 1975); Lịch sử công tác dân vận của Đảng (1930 – 2010); Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1976 – 2005); Lịch sử phong trào Nông dân và Hội Nông dân Việt Nam (1930 – 2015); Lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam (1986 – 2010)… Đảng ta khẳng định: “Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đã đạt được kết quả quan trọng, góp phần tổng kết thực tiễn lịch sử cách mạng qua các thời kỳ, rút ra kinh nghiệm, bài học, quy luật của cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo; giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước và nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”(2).
Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, Viện Lịch sử Đảng đã tích cực tổ chức triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn và hoàn thành, xuất bản nhiều công trình khoa học lịch sử(3). Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục tăng cường nghiên cứu và tổng kết lịch sử Đảng, đúc kết những bài học kinh nghiệm từ lịch sử góp phần vào công tác chính trị, tư tưởng của Đảng trong bối cảnh hiện nay, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chỉ đạo Viện Lịch sử Đảng hoàn thành nhiều đề tài cấp bộ trọng điểm: Nghiên cứu, bổ sung, nâng cao chất lượng Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tập II (1954 – 1975), Nghiên cứu, bổ sung, nâng cao chất lượng Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập III (1975 – 2006), viết mới giai đoạn 2006 – 2011, Đấu tranh chống những quan điểm sai trái xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch; tiểu sử của các đồng chí Võ Văn Ngân, đồng chí Nguyễn Duy Trinh; Đề án sưu tầm, khai thác và xác minh tư liệu về đồng chí Phạm Hữu Lầu… Ngoài ra, đội ngũ cán bộ của Viện Lịch sử Đảng đã tham gia nghiên cứu, biên soạn trên 70 cuốn sách chuyên khảo, gần 500 bài viết đăng tải trên các tạp chí khoa học, tạp chí chuyên ngành, kỷ yếu hội thảo khoa học.
Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương; lịch sử ban, ngành, đoàn thể có nhiều tiến bộ cả về số lượng và chất lượng. Trong 3 năm (2018 – 2020), cả nước có 2.461 công trình đã hoàn thành và xuất bản; trong đó, có 122 công trình lịch sử cấp tỉnh; 358 công trình lịch sử ban, ngành, đoàn thể; 265 công trình cấp huyện; 1.716 công trình cấp xã. Có 7 tỉnh đã biên soạn lịch sử đảng bộ tỉnh đến năm 2020; 8 tỉnh biên soạn lịch sử đảng bộ tỉnh đến năm 2015(4). Một số tỉnh, thành phố đã chủ động biên soạn và xuất bản Văn kiện Đảng bộ tỉnh; Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng bộ tỉnh, thành phố, như Lào Cai, Hà Giang, Ninh Bình, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nam. Bên cạnh kết quả về số lượng, chất lượng biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ các cấp được nâng lên một bước.
Kết quả công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tình cảm cách mạng, làm cho lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống thấm sâu trong tâm trí mỗi cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân, giúp bạn bè quốc tế hiểu ngày càng đầy đủ, chân thực, sâu sắc hơn về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng góp phần đấu tranh chống các luận điệu sai trái và âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, phản động hòng xuyên tạc lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc, phủ nhận sự thật lịch sử và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các công trình nghiên cứu còn tổng kết những kinh nghiệm phong phú của Đảng, góp phần phát triển lý luận, làm sáng tỏ và bổ sung đường lối, chính sách của Đảng.
Những công trình nghiên cứu của Viện Lịch sử Đảng nói riêng và các địa phương nói chung đã làm sáng tỏ quá trình ra đời và lãnh đạo của Đảng, luận giải nhiều vấn đề về lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bằng những sử liệu tin cậy và các luận cứ khoa học, ngành lịch sử Đảng khẳng định quá trình ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự lựa chọn của chính lịch sử, là sự kết hợp của các yếu tố khách quan và chủ quan, bao gồm chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng là một đột phá về lý luận cách mạng giải phóng dân tộc và phát triển đất nước, vừa tuân thủ những luận điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, chắt lọc những giá trị phổ quát của văn minh nhân loại, vừa kết tinh và nhân lên tinh hoa về tư tưởng, về văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Hiện thực lịch sử cho thấy, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất đúng của cách mạng Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Các công trình nghiên cứu lịch sử Đảng trên cấp độ toàn Đảng cũng như ở mỗi địa phương đã làm rõ và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam trên các chặng đường đấu tranh giành độc lập, tự do, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiến hành 30 năm chiến tranh cách mạng, đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, bảo vệ độc lập, chủ quyền, khôi phục sự thống nhất đất nước, tiến hành xây dựng và bảo vệ đất nước theo đường lối đổi mới của Đảng…
Các công trình nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng là lợi khí sắc bén đấu tranh chống các luận điệu sai trái, xuyên tạc các sự kiện lịch sử. Ví dụ như, với những tư liệu lịch sử đáng tin cậy và phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại, lịch sử Đảng đã phản bác những luận điệu phản động, những ý kiến sai lệch về Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khẳng định rằng: Cách mạng Tháng Tám là kết quả đấu tranh cách mạng lâu dài của nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuộc cách mạng đó đã được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng thông qua các phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo: 1930 – 1931; 1936 – 1939 và đặc biệt là cao trào 1939 – 1945. Đó là kết quả của sự thay đổi tư duy, phát triển lý luận về giải quyết mối quan hệ giữa nhiệm vụ dân tộc và dân chủ của Đảng, là nghệ thuật kết hợp xây dựng, chuẩn bị thực lực với chớp thời cơ, nghệ thuật phát động và lãnh đạo nhân dân nổi dậy… Thực tiễn lịch sử đó đã bác bỏ một cách đanh thép những luận điệu xuyên tạc rằng Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng “ăn may”.
Đối với sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968, bằng các dữ kiện lịch sử, các công trình khoa học lịch sử Đảng, các cuộc hội thảo kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 được tổ chức ở nhiều địa phương trên cả nước đã làm rõ: cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 là thắng lợi mang tính quyết định, buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược đối với Việt Nam, phải hạn chế và tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc ném bom phá hoại miền Bắc, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiến tới rút dần quân Mỹ tham chiến ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành lại nền độc lập dân tộc, tiến tới thống nhất đất nước trong những năm 1954 – 1975, các nhà khoa học lịch sử Đảng đã chỉ rõ rằng đây là thắng lợi vĩ đại của cả dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm dưới sự lãnh đạo của Đảng, là thắng lợi của sự sáng tạo lý luận và luận điểm khoa học, cách mạng, đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, nhất quán một quyết tâm: để đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh đổ chế độ do Mỹ dựng lên, ngoài con đường bạo lực cách mạng, nhân dân miền Nam không còn con đường lựa chọn nào khác. Khoa học lịch sử Đảng qua đó bác bỏ những luận điểm sai lạc cho rằng, còn có con đường thống nhất đất nước theo mô hình của Đức để giải phóng miền Nam.
Trên cơ sở nghiên cứu, các công trình Lịch sử Đảng đã tổng kết sâu sắc bài học kinh nghiệm trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, khái quát thành những vấn đề lý luận, mang tính quy luật, đúc kết những truyền thống quý báu của Đảng, những tấm gương cộng sản kiên trung, bất khuất, xả thân, cống hiến cho Đảng, cho dân tộc… Các công trình nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng được xã hội hóa, đưa vào sử dụng trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống giáo dục quốc dân… đã góp phần quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố niềm tin, lòng tự hào của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào truyền thống quý báu, nâng cao ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.
Cùng với việc phản bác những luận điệu xuyên tạc, những nhận định sai lạc, các công trình nghiên cứu lịch sử Đảng với cách tiếp cận khách quan, khoa học đã góp phần làm cho nhân dân hiểu đúng, hiểu đủ về những sự kiện lịch sử Đảng, dẹp tan sự hoài nghi, những nhận thức mơ hồ về lịch sử, góp phần quan trọng vào việc tô thắm truyền thống lịch sử tốt đẹp của dân tộc, chống những âm mưu và hành động xuyên tạc lịch sử nhằm làm giảm uy tín của Đảng, hòng làm cơ sở để tiến tới đòi gạt bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam…
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “giữ chủ nghĩa cho vững”(5), góp phần đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, xuyên tạc lịch sử, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, khoa học lịch sử Đảng là một binh chủng trong đội quân lý luận, tư tưởng của Đảng. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng cần khắc phục những hạn chế mà Ban Bí thư đã chỉ ra: “Chất lượng nghiên cứu, biên soạn một số công trình lịch sử Đảng chưa cao; công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ chưa được chú trọng đúng tầm”(6). Công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền lịch sử Đảng cần phải tập trung bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, tính khách quan, khoa học của các công trình lịch sử Đảng ở các cấp; sưu tầm, khai thác bổ sung tư liệu lịch sử Đảng; đổi mới phương pháp nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng theo hướng gắn liền với nghiên cứu, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và nghiên cứu lịch sử dân tộc; làm rõ những vấn đề tồn đọng, trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho toàn Đảng, toàn dân hiểu biết rõ ràng và sâu sắc tất cả vấn đề lịch sử./.
TS TRẦN TUẤN SƠN
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh