Đôi vợ chồng trẻ Cơtu làm giàu từ đôi bàn tay trắng

 

Cụm từ “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đối với vợ chồng anh Zơrâm Bhéh và chị Zơrâm Thị Bên ở thôn Agriih, xã Axan huyện Tây Giang giờ đã là quá khứ. Thành quả hôm nay anh chị có được là cả một quá trình nổ lực phấn đấu đi lên từ đôi bàn tay trắng, trở thành tấm gương nông dân sản xuất giỏi ở tuổi đời còn rất trẻ. 

Các vật dụng trang trí trong nhà do chính tay anh làm

Đầu tư chăn nuôi, trồng trọt 

Đến xã Axan, hỏi thăm về vợ chồng anh Zơrâm Bhéh, bà con ai cũng biết, khen ngợi đôi vợ chồng trẻ rất chăm chỉ làm ăn, lại rất tốt bụng, đôi vợ chồng như một tấm gương sáng về sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên thoát cảnh đói nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Cũng như bao nhiêu đôi vợ chồng trẻ khác ở vùng biên giới này, anh Bhéh và chị Bênđến với nhau ở ngưỡng cửa của tuổi 20, bám vào nương rẫy truyền thống để sống. Kết hôn sớm, gia cảnh lại nghèo khó, anh cùng chị về bên ngoại, tá túc nhờ nhà anh chị. Cuộc sống 2 buổi bám vào nương rẫy quần quật mà vẫn không đủ ăn. Anh Zơrâm Bhéhkể lại, hồi còn thanh niên mình đã nuôi ý định muốn làm cái gì đó để có nhiều tiền cuộc sống bớt khổ hơn, hồi ấy mình có vay mượn được 2,5 triệu đồng mua bò nuôi nhưng không may bò chết. Đến năm 2004 mình cưới vợ, rồi cũng cố gắng làm rẫy, làm lúa nhưng vẫn cứ đói nghèo. Năm 2017, vợ chồng anh quyết định vay Ngân hàng chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng, anh đầu tư mua 2 cặp bò giống và 9 con dê, sữa chữa chuồng trại, trích ra số tiền nhỏ đi tham quan học tập thực tế tại các mô hình gia trại bò, dê ở các huyện như Đông Giang, Nam Giang, ai có trang trại lớn cũng đều đến thăm và học cách chăn nuôi. Kết hợp chăn nuôi, anh còn đầu tư trồng hơn 3 ha cây Quế, cam, bưởi. Tận dụng quỹ đất sẵn có và nguồn phân bò dư thừa, đào ao nuôi thêm cá. “Những năm đầu do thiếu kinh nghiệm, chưa hợp lý trong xây dựng chuồng trại việc chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là công tác tiêm phòng dịch, vệ sinh chuồng trại, ao nuôi chưa cao, quy trình kỹ thuật chưa có, giá cả đầu ra không ổn định, thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng nhiều đến con vật nuôi, kết quả mang lại không cao, có năm bù lỗ, thấy cũng nản và nhiều lần có ý định bỏ cuộc.  Hai vợ chồng đều xuất thân từ một gia đình thuần nông nên đã hiểu cuộc sống gặp nhiều khó khăn như thế nào. Bằng ý chí, nghị lực hai vợ chồng cùng động viên an ủi không cam chịu những lần thất bại, quyết tâm đi lên và làm giàu bằng nông nghiệp trên mảnh đất của chính mình.” – Anh Bhéh chia sẻ.

Trời không phụ lòng người, từ hai bàn tay trắng, hai vợ chồng anh chị hiện nay đã có một cơ ngơi, một thu nhập khá ổn định mà nhiều người thầm mơ ước. Nhờ có sự chăm sóc và đầu tư tốt mỗi năm anh xuất bán từ 4-5 con bò, hơn 10 con dê, thêm cá, gà, vịt, ngang. Riêng thu nhập từ chăn nuôi từ 150 -180 triệu đồng mỗi năm. 

Nhờ siêng năng, chăm chỉ làm ăn, vợ chồng anh có nhà cửa ổn định từ rất sớm

Đam mê nghề mộc 

Không chỉ dừng công việc trang trại, trồng trọt, anh Zơrâm Bhéh còn có đôi bàn tay khéo léo, niềm đam mê nghề mộc đã thôi thúc anh từ hồi trai trẻ. Anh cho biết, anh chưa từng học qua nghề mộc nhưng anh rất thích và đam mê với công việc này. Anh bắt đầu đóng cái tủ, cài bàn, ghế dùng trong gia đình. Năm 2015 anh làm nhà, có mượn công anh em họ hàng giúp làm phần thô, sườn nhà, sau đó một mình anh tranh thủ tự trang trí đóng la phong trên mái, cánh cửa, trang trí bên trong ngôi nhà. Sau khi hoàn thiện ngôi nhà, bà con trong làng ai cũng khen, từ đó có nhờ thuê anh làm phần mộc. Từ những thành công nhỏ, càng đam mê yêu thích công việc này hơn. Nhờ đó, anh có thêm nguồn thu nhập, thêm tiền tích góp từ chăn nuôi, trồng trọt, anh vay mượn đầu tư mua nhiều máy móc phục vụ nghề mộc. Không bao lâu anh thành lập tổ “Tổ thợ mộc của Zơ râm Bhéh”, hiện nay tổ hoạt động từ 10-12 người, công việc của tổ rất thường xuyên, với tay nghề chắc, công thêm sự trách nhiệm, tận tâm, thật thà nên Tổ của anh nhận rất nhiều ngôi nhà ở các xã lân cận, bình quân mỗi năm anh nhận từ 8-10 nhà cái nhà gỗ (riêng tiền công của anh mỗi tháng hơn 10 triệu đồng, chưa kể tiền lời lãi hoàn thành ngôi nhà sau khi trừ chi phí nhân công). Tiền công anh trả cho các thành viên trong tổ từ 220.000- 280.000 đồng mỗi ngày. Có nhiều thành viên cũng học cách siêng năng niềm đam mê nghề từ anh chăm chỉ làm nguyên cả tháng, thu nhập rất ổn định từ 6-8 triệu đồng. Có nguồn thu nhập khá, anh sắm sửa đầy đủ tiện nghi trong nhà, nuôi 3 đứa con ăn học, cháu lớn đang học lớp 10 tại trường PTDTNT Hội An. Nhờ siêng năng, biết cách làm ăn, không cam chịu đói nghèo, năm 2018 gia đình anh thoát nghèo và trở thành hộ khá trong thôn của xã Axan. 

Không dừng lại chỉ là Tổ thợ mộc, anh còn đang nuôi ước mơ có thể mở rộng thành một xưởng mộc. Hiện nay, anh đang được biết Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tây Giang đang triển khai chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Chính sách nhằm hỗ trợ cho đối tượng là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 đang sinh sống và làm việc trên địa bàn huyện. Anh cho biết, nếu được tiếp cận nguồn vốn này, anh sẽ mạnh dạn vay thêm và đầu tư mở rộng tổ mộc hiện nay, anh mua thêm nhiều máy móc phục vụ công việc, đồng thời mua thêm bò giống, dê giống mở rộng trang trại của gia đình. 

Khi hỏi về gương sản xuất kinh doanh giỏi trong xã, anh TaNgôn Thiếu, Chủ tịch UBND xã Axan tấm tắc khen ngợi đôi vợ chồng trẻ, “Trước đây, vợ chồng anh Bhéh cũng thuộc hộ nghèo khó trong vùng. Nhờ các chính sách, dự án vay vốn phát triển kinh tế cho nông dân, vợ chồng anh trở thành điển hình về phát triển kinh tế hộ gia đình được bà con trong thôn ngưỡng mộ noi theo. Anh làm lụng rất chăm chỉ từ nuôi bò, dê, trồng cây. Đặc biệt, anh đam mê nghề mộc và trở thành thợ mộc có tiếng trong vùng, đồng thời giúp địa phương giải quyết được nhiều thanh niên có việc làm, thu nhập ổn định. Hiện nay, gia đình anh là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã, huyện.

 Từ cảnh đói nghèo đi lên, vợ chồng anh hiểu được nỗi khổ của những người có hoàn cảnh khó khăn hơn ai hết. Những kinh nghiệm học được, làm được anh đều chia sẻ cùng bà con, hàng xóm, đặc biệt nghề mộc anh chỉ và bày rất tường tận cho các anh em làm cùng. Bởi vậy, bà con trong thôn rất tin tưởng và quý mến gia đình anh. Đó cũng chính là nguồn động lực thôi thúc vợ chồng anh càng nỗ lực phấn đấu hơn nữa trong việc phát triển kinh tế gia đình. 

Tác giả:Hiền Thúy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *