(Mỗi ngày một câu chuyện đẹp: giữ gìn bản sắc văn hóa Cơtu): Vơr ving ( tổ, nhóm thanh niên Đổi công của thôn Arầng, xã Axan) một nét văn hóa mang tính cộng đồng của người Cơtu

Vơr ving (hay còn gọi tổ, nhóm Đổi công) là hình thức tổ chức lao động được thực hiện tại nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số nói chung và cộng đồng người Cơtu nói riêng… Vào mỗi dịp gieo trồng, cấy, làm lúa nước, lúa rẫy, đến thu hoạch lúa mùa, làm nhà mới, sửa Gươl làng,…chúng ta thường thấy có rất đông bà con Cơtu tham gia. Tập tục Vơr ving có từ bao đời trong hoạt động sản xuất truyền thống và có chức năng quan trọng trong đời sống kinh tế – xã hội của cộng đồng Cơtu và được đoàn viên thanh niên xã Axan lưu giữ, duy trì hiện nay.

Người Cơtu tại Axan khai hoang đồng ruộng giúp nhau ngày công lao động

Theo tiếng Cơtu, Vơr ving là hình thức giúp và trao đổi công cho nhau trong môi trường sống và lao động sản xuất. Vơr ving còn là sự gắn kết, đùm bọc thương yêu, đoàn kết giúp đỡ nhau được người Cơtu gìn giữ từ đời này qua đời khác.

Từ xa xưa, Vơr ving cũng có những quy định mang tính truyền thống về ngày công lao động, số lượng người tham gia lao động và thời gian trên cơ sở bàn bạc, thống nhất rõ ràng. Những ngày công lao động sẽ được đổi bằng những ngày công lao động tương ứng. Người Cơtu đổi ngày công lao động của mỗi người cho nhau để tồn tại và phát triển, đó cũng là phương pháp hữu hiệu nhất để hoàn thành một công việc, tiết kiệm thời gian và công sức của mỗi người. 

Vơr ving không chỉ diễn ra trong lao động sản xuất, mà còn được người Cơtu vận dụng trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày vào việc làm nhà mới, sửa Gươl làng, cưới hỏi, đến nhà chủ hộ trong làng có người già đau ốm, tang ma,… Nhờ đó, cộng đồng người Cơtu luôn có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Nhờ vậy, các công việc chung của thôn dù nặng nhọc đến mấy cũng được triển khai chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả.

Vơr ving, trước hết là hình thức tổ chức công việc được thiết lập bởi các thành viên trong cộng đồng, nhằm trợ giúp lẫn nhau trong thời gian mà công việc yêu cầu tập trung lượng lớn sức lao động. Khi một gia đình cần sự trợ giúp lao động từ gia đình khác, hoặc của cả cộng đồng, thì điều đó được ngầm hiểu là việc trả công sẽ được tính toán sau – và hình thức trả công được tiến hành bằng cách trả lại sức lao động cho người đã giúp mình trước đó.

Tập tục Vơr ving trong cộng đồng người Cơtu tại chỗ khá phổ biến trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày, nhiều nhất là trong hoạt động sản xuất nông nghiệp (canh tác lúa, trồng trọt hoa màu các loại). 

Đặc biệt, trong quá trình làm ruộng lúa, thì đây là loại cây trồng rất nhạy cảm, đòi hỏi thời gian gieo trồng, thu hoạch đúng thời vụ, nếu để chậm trễ các khâu (làm đất, gieo sạ, thu hoạch…) sẽ dẫn đến thất thu. Mỗi một gia đình với vài lao động khó đáp ứng yêu cầu đó, nên cần huy động số đông lao động trợ giúp dưới hình thức Vơr ving là cần thiết và phù hợp với đời sống, tập tục của người Cơtu. Vơr ving không chỉ giới hạn đối với các gia đình, dòng họ trong cùng một địa bàn dân cư mà nhiều khi các thành viên ở vùng lân cận cũng tham gia.

Vơr ving khai hoang đồng ruộng

Trước đây, theo tập quán của người Cơtu, sau buổi Vơr ving, gia chủ thường tổ chức bữa ăn cộng đồng với sự tham gia của các thành viên. Tập quán này đã tạo ra các mối quan hệ xã hội giữa những người chia sẻ công sức lao động với nhau; đó cũng là cơ hội để những người lớn tuổi, có kỹ năng và kinh nghiệm sản xuất hướng dẫn, trao truyền trực tiếp cho thế hệ kế thừa – và hơn thế nó còn bao hàm cả ý nghĩa bảo tồn, gìn giữ vốn văn hóa của mỗi cộng đồng, dân tộc.

Tuy nhiên, có những người ngoài cuộc chưa hiểu sâu về vấn đề này, chỉ nhìn vào bữa ăn có đông người tham gia sau buổi Vơr ving, hay sự tập trung đông đảo nguồn lực lao động tại một thời điểm mà cho rằng việc Vơr ving (đổi công) là lãng phí về tiền bạc, hay phung phí về mặt thời gian. Điều đó không đúng, vì như đã đề cập ở đoạn đầu thì Vơr ving là hình thức lao động hợp lý, không chỉ giúp người dân giải quyết những công việc cấp bách trong thời gian ngắn nhất, mà còn là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng lao động giữa các thế hệ, thành viên trong cộng đồng, duy trì và tăng cường mối gắn kết với nhau như một thực hành văn hóa truyền thống trong đời sống lao động, sản xuất của đồng bào Cơtu nói riêng và các vùng miền khác nói chung.

Hiện nay, trước tác động của cơ chế thị trường, sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ giữa các vùng miền đã làm thay đổi một số tập tục đẹp, trong đó có tục Vơr ving. Tại một số thôn, khu dân cư, các xã có người Cơtu sinh sống, bà con tham gia ngày công lao động thường phải trả bằng tiền. Một số gia đình điều kiện thì dùng tiền để thuê nhân công lao động làm cho nhà mình thay vì hình thức Vơr ving như trước kia. Bây giờ, người dân chỉ tham gia khi có việc chung của làng, còn ở quy mô gia đình thì khó thực hiện hơn.

Để giữ gìn và bảo tồn tập tục Vơr ving này, các cán bộ làm công tác văn hóa cần phối hợp với già làng tuyên truyền về ý nghĩa nhân văn, tốt đẹp của tập tục này, từ đó củng cố tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, phát huy sức mạnh tập thể để xây dựng thôn, làng trên địa bàn huyện ấm no và phát triển.

Nguồn: Tác giả: Thị Bhố

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *