Xây Dựng Đời Sống Văn Hóa ở Tây Giang

Xây dựng truyền thống Tây Giang
Nằm ở phía Tây của tỉnh Quảng Nam, huyện Tây Giang là vùng cao với sự đa dạng về văn hóa, nơi có đồng bào Cơ Tu sinh sống chiếm hơn 90% dân số. Trên cơ sở phát huy tiềm năng về điều kiện tự nhiên cùng những bản sắc văn hóa, với tinh thần đoàn kết của đồng bào các tộc người, huyện đã có những bước đi hiệu quả trong công tác xây dựng đời sống văn hóa. Phong trào này được xác định nhằm phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng con người mới, làng xã mới, gắn với nông thôn mới, tạo nên nguồn lực tinh thần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho nhân dân bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong cuộc sống hôm nay.
Xây dựng truyền thống Tây Giang
Xây dựng truyền thống Tây Giang
Xác định “Gia đình văn hóa” là một trong các danh hiệu đầu tiên để tiếp tục thực hiện các danh hiệu khác như “Thôn văn hóa”, “Tộc văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị có đời sống văn hóa tốt”… nên Ban chỉ đạo huyện đã đẩy mạnh tập trung vận động các Hội, đoàn thể và người dân cùng tham gia xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc tiến bộ, phát triển kinh tế. Năm 2018, H. Tây Giang chú trọng tuyên truyền phong trào này  trên các phương tiện thông tin đại chúng như: tuyên truyền tại nhà sinh hoạt cộng đồng, trên đài phát thanh truyền hình địa phương, cổ động trực quan bằng panô, áp phích, băng rôn, cấp phát các ấn phẩm có nội dung về thực hiện phong trào. Năm 2018, huyện tiếp tục củng cố và kiện toàn Ban chỉ đạo cấp huyện, xã và Ban vận động thôn, Ban điều hành các cấp. Trên cơ sở quy chế hoạt động, Ban Chỉ đạo các cấp đều chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với cấp Hội, Mặt trận và tổ chức đoàn thể để tổ chức các hoạt động có hiệu quả, đưa hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp vào nề nếp, không ngừng đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động để thu hút, tập hợp các nguồn lực tham gia đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào. Theo đó, nội dung tiêu chí xây dựng Gia đình Văn hóa được triển khai thường xuyên thông qua hoạt động tích cực của Ban chỉ đạo ở cơ sở, các Hội, đoàn thể. Năm 2018, toàn huyện có  2.700/4.650 hộ đạt chuẩn Gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 59,13%, tăng so với năm 2017 là 2,16%. Phong trào xây dựng Gia đình Văn hóa đã làm cho mọi nhà, mọi người đoàn kết, răn dạy con cháu hiếu thảo, hòa thuận và nhất là phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Song song với việc xây dựng Gia đình Văn hóa, H. Tây Giang phát động, làm điểm xây dựng “Thôn Văn hóa” và chủ trương trước tiên phải có đời sống kinh tế ổn định. Vì vậy, trong quá trình triển khai “Thôn Văn hóa”, các xã đều đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng cơ sở hạ tầng, cảnh quan môi trường, an ninh trật tự. Các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Thanh niên, Cựu chiến binh… đã có những hình thức giúp nhau xóa đói giảm nghèo như đứng ra vay vốn, hỗ trợ giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, lựa chọn cây giống, con vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng vùng cao… nên từng bước nâng cao năng suất. Đặc biệt, trong công tác xây dựng Thôn Văn hóa, H. Tây Giang đã vận dụng linh hoạt lồng ghép với các nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới để thực hiện nếp sống văn minh việc cưới, việc tang và lễ hội. Từ đó, các tệ nạn, hủ tục dần dần được đẩy lùi. Năm 2018, toàn huyện có 60/70 thôn đăng ký thôn văn hóa chiếm tỷ lệ 85,7%, số thôn đạt thôn văn hóa 46/70 thôn chiếm tỷ lệ 65,7% giảm so với năm 2017 là 2,8%. Phong trào xây dựng Thôn văn hóa là kết quả tổng hợp của nhiều hoạt động về đời sống kinh tế, văn hóa xã hội, thu hút sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự tham gia hưởng ứng đông đảo của tầng lớp nhân dân; phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau xóa đói giảm nghèo; nâng cao ý thức tự quản, huy động nguồn lực to lớn trong nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa; tạo ra sự chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nếp sống văn minh; ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Đặc biệt, những năm gần đây, công tác xây dựng “Tộc Văn hóa” được Ban chỉ đạo huyện quan tâm phát động và vận động nhân dân thực hiện. Việc xây dựng Tộc Văn hóa đã có hiệu quả hỗ trợ đắc lực cho phong trào TDĐKXDĐSVH phát triển toàn diện hơn. Đến nay, đã có 29 tộc họ trên địa bàn huyện đăng ký xây dựng và thành lập “Tộc họ văn hóa”, trong đó họ “Cơlâu” và họ “Alăng” làm điểm trên địa bàn huyện nhằm động viên phong trào học tập. Đây là một cố gắng lớn của các tộc bởi do đặc thù của đồng bào từ trước đến nay không ghi chép gia phả dòng tộc nên rất khó khăn trong việc tập hợp, xây dựng một tộc họ lớn có tính huyết thống, dẫn đến rất nhiều tộc họ khó lập hồ sơ đăng ký xây dựng Tộc Văn hóa. Bên cạnh đó, phong trào xây dựng đời sống văn hóa còn được thực hiện đồng bộ ở các cơ quan Nhà nước với việc xây dựng và thực hiện danh hiệu “Cơ quan, đơn vị có đời sống văn hóa tốt”. Hầu hết các đơn vị thực hiện tốt quy trình đăng ký, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, nội bộ đoàn kết, môi trường văn hóa lành mạnh. Trong năm 2018, hầu hết các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị-kinh tế-xã hội, sản xuất kinh doanh. Đồng thời thực hiện tốt nghĩa vụ, chính sách pháp luật của nhà nước; nội bộ đoàn kết, thực hiện tốt quy chế dân chủ và các quy chế hoạt động trong đơn vị; đảm bảo môi trường văn hóa lành mạnh; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục-thể thao. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo. Năm 2018, có 25/77 cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa là 25/77% chiếm tỷ lệ 32,46% tăng so với năm 2017 là 3,89%. Các phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, lao động sáng tạo, xây dựng gương người tốt việc tốt, xã, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn… thường xuyên được tổ chức bằng nhiều hình thức phong phú như hội thi, tọa đàm, tập huấn… ở hầu hết các xã, cơ quan, trường học đã tạo ra một lối sống văn minh, văn hóa lành mạnh. Về công tác xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, đến nay toàn huyện đã thành lập 10 Trung tâm văn hóa xã và có 2 Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã đạt chuẩn Nông thôn mới; 2/10 xã có sân vận động đạt chuẩn Nông thôn mới và 1 sân vận động của huyện; 2 nhà thi đấu; 1 Câu lạc bộ Cầu lông huyện; 1 công viên. Đặc biệt, có 10/10 xã đã thành lập Đội văn hóa, văn nghệ phục vụ đời sống tinh thần của bà con nhân dân. Đội Văn hóa văn nghệ của Đội văn hóa tuyên truyền lưu động huyện thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu tại các điểm xã, thôn trên địa bàn huyện. Trong thời gian đến, H. Tây Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào này gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế – xã hội đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị đặc trưng văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Phong trào TDXDĐSVH ở huyện miền núi Tây Giang vẫn tiếp tục những chặng đường mới. Hiệu quả của phong trào này trong thời gian qua với sự khởi sắc nơi vùng đất phía Tây của tỉnh Quảng Nam hy vọng sẽ bồi đắp thêm sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân để phát triển kinh tế – xã hội địa phương…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *